Diễn biến Trận Tương Dương - Phàn Thành

Quan Vũ công phá Tương-Phàn

Dù tập trung vào chiến trường Phàn Thành, Quan Vũ vẫn không quên việc phòng thủ. Ông giao lại không ít quân cho My Phương để giữ Giang Lăng và cho Phó Sĩ Nhân để giữ Công An[3].

Dự định của Quan Vũ là trước tiên hạ Tương Dương và Phàn Thành, sau đó sẽ ruổi dài theo quân Tào chiếm Nam Dương, tấn công vào Hứa Xương và Lạc Dương, đuổi quân Tào chạy lên phía bắc Tế Thủy[4]. Vì vậy để có đủ binh lực bắc tiến, Quan Vũ đề nghị Thái thú 2 quận thuộc Ích châu giáp Kinh châu là Mạnh Đạt ở quận Thượng Dung và thái thú quận Phòng Lăng là Lưu Phong (con nuôi Lưu Bị) cùng ra quân đánh Ngụy. Nhưng Mạnh Đạt và Lưu Phong lấy lý do "quận trong vùng núi, có người còn chưa phục" nên từ chối ra quân phối hợp[5].

Lúc đó Phàn Thành do Tào Nhân trấn giữ, Tương Dương do Lã Thường đóng quân. Quan Vũ mang quân tới tấn công Phàn Thành và Tương Dương rất mạnh mẽ. Tào Nhân không mang quân ra ngoài đối địch, chỉ cố thủ trong thành. Tào Tháo lúc đó vừa thất bại ở Hán Trung rút đại quân về tới Trường An, nghe tin Phàn Thành bị uy hiếp nặng nề, vội sai Tả tướng quân Vu Cấm vốn là người được tin tưởng[6] cùng Lập nghĩa tướng quân Bàng Đức mang 7 đạo quân đi cứu viện.

Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng việc điều binh của Tào Tháo diễn ra khi quân Tào đã trở về tới Hứa Xương, và Quan Vũ đã đánh chiếm được quận Tương Dương.

Viện binh Ngụy bị đánh bại

Vu Cấm và Bàng Đức kéo tới Phàn Thành. Các tướng Phàn Thành nghi ngờ Bàng Đức có chủ cũ là Mã Siêu và anh họ là Bàng Nhu đang làm tướng cho Lưu Bị ở Ích châu nên sẽ không hết lòng. Nhưng Bàng Đức khẳng khái bày tỏ lòng trung thành với Tào Tháo. Tào Nhân sai Vu Cấm ra đóng ở phía bắc Phàn Thành làm thế ỷ dốc.

Quan Vũ mang quân tới đánh viện binh Vu Cấm. Bàng Đức ra trận đối địch, bắn một mũi tên trúng vào trán Quan Vũ, khiến quân sĩ dưới quyền Quan Vũ gọi Bàng Đức là Bạch mã tướng quân[7]. Tào Nhân tạm thời yên tâm có Vu Cấm và Bàng Đức che đỡ bên ngoài. Vu Cấm không xem xét kỹ địa thế, mang quân đến chỗ trũng lập trại.

Nhưng đến tháng 8 năm đó, trời mưa đổ mưa lớn nhiều ngày. Nước sông Hán Thủy dâng cao, tràn ra ngoài đê, khiến Phàn Thành bị nước lũ vây kín. Ngoài thành, 7 đạo quân của Vu Cấm người bị chết đuối, người bỏ chạy. Vu Cấm dẫn các tướng chạy lên nơi cao quan sát thế nước nhưng không có cách nào thoát ra được. Quan Vũ dẫn quân cưỡi thuyền tới vây đánh. Vu Cấm và các tướng sĩ không thể chống cự được nên đều bị bắt.

Riêng Bàng Đức và 2 thuộc hạ thân tín vẫn ngoan cường chiến đấu từ sáng tới xế chiều, bắn hết tên lại dùng dao ác chiến với quân Quan Vũ. Không chống nổi, ba người chạy lên một chiếc thuyền nhỏ chèo về phía Phàn Thành với Tào Nhân, nhưng đi giữa dòng thì thuyền bị lật. Bàng Đức núp dưới nước một lúc thì bị quân Quan Vũ bắt sống[4].

Trong khi Vu Cấm sợ hãi xin quy hàng thì Bàng Đức hiên ngang không chịu quỳ. Quan Vũ dùng lời lẽ thuyết phục nhưng Bàng Đức nhất định không chịu hàng. Quan Vũ bèn sai mang Bàng Đức ra chém, còn Vu Cấm thì giải về giam ở hậu phương Giang Lăng.

Tào Nhân cầm cự

Phàn Thành và Tương Dương vô cùng nguy cấp, nhiều chỗ trong thành bị nước sông làm sói lở. Có người khuyên Tào Nhân nên lấy thuyền chạy trốn. Trong lúc Tào Nhân do dự thì Thái thú Nhữ Nam là Mãn Sủng động viên Tào Nhân rằng nước lên nhanh sẽ rút nhanh và nếu bỏ Phàn Thành thì bờ nam Hoàng Hà sẽ mất theo[8].

Vì vậy Tào Nhân cùng các tướng cùng ăn thề, cố sức liều chết chống trả. Tại thành Tương Dương, Lã Thường cũng cố sức cầm cự trước sức tấn công của Quan Vũ. Hai thành bị vây ngặt, hoàn toàn không liên lạc được với nhau. Trước tình thế đó, các tướng Tào khác gồm thứ sử Kinh châu là Hồ Tu, thái thú Nam Hương là Trù Phương đều đầu hàng Quan Vũ.

Tào Tháo trở về Nghiệp Thành (Ký châu), nghe tin 7 đạo quân của Vu Cấm bị tiêu diệt, hai thành bị cô lập và uy hiếp dữ dội, vô cùng hoảng sợ, bèn bàn việc thiên đô dời Hán Hiến Đế khỏi Hứa Xương. Tuy nhiên Tư Mã Ý và Tưởng Tế can ngăn, cho rằng: Tôn QuyềnLưu Bị ngoài mặt là thân nhau (anh vợ em rể), nhưng bên trong không hòa thuận muốn thôn tính nhau và Tôn Quyền sẽ trở mặt đánh Quan Vũ; nếu dời đô sẽ làm lòng người dao động nên nhất định không nên làm.

Tào Tháo nghe theo, mới quyết định không thiên đô, sai Từ Hoảng mang quân đi cứu Phàn Thành.

Ngô-Ngụy liên minh

Đúng lúc đó thì Tôn Quyền bị Quan Vũ cự tuyệt việc thông gia, bèn nhân cơ hội Quan Vũ rời Kinh châu để lấy mấy quận Kinh châu từ phe Thục đã sai người dâng thư đến xin quy phục Tào Tháo, giúp họ Tào giáp công đánh Quan Vũ ở mặt đông.

Nhưng Tôn Quyền đề nghị Tào Tháo giữ kín ý định đánh úp Kinh châu (căn cứ của Quan Vũ) của Đông Ngô. Tào Tháo mang việc ra bàn bạc, nhiều người cho rằng nên giữ kín giúp Tôn Quyền. Riêng Đổng Chiêu không đồng tình. Ông cho rằng ngoài mặt nên hứa với Tôn Quyền giữ kín nhưng nên ngầm làm lộ thông tin, vì khi biết Tôn Quyền đánh lén, theo lẽ thường thì Quan Vũ sẽ mang quân về ngay, như vậy Phàn Thành được giải vây và Tào Ngụy được lợi ngồi nhìn Tôn Quyền và Quan Vũ giao tranh; nhưng Quan Vũ là người kiêu căng, sẽ không chịu rút ngay khỏi Phàn Thành đang bị ngập nước. Nếu trong thành không biết tin bên ngoài thì có thể thành sẽ vỡ về tay Quan Vũ. Vì vậy, Đổng Chiêu chủ trương làm lộ thông tin, báo cho Quan Vũ biết để Quan Vũ bị phân tán, mặt khác báo cho tướng sĩ trong Phàn Thành và Tương Dương biết để cố giữ thành vì Quan Vũ trước sau cũng phải về cứu hậu phương[9].

Tào Tháo tán đồng phân tích của Đổng Chiêu, bèn lệnh cho Từ Hoảng (tướng được cử đi cứu viện Phàn Thành) sao chép thư của Tôn Quyền ra nhiều bản, không chỉ bắn sang trại Quan Vũ mà bắn cả vào trong Phàn Thành cho quân Tào biết. Quả nhiên Quan Vũ không tin vào thư đó, cho rằng Tào Tháo lắm mưu mô, phao tin sai để lung lạc mình[10], nên tiếp tục công hãm thành.

Trong khi đó, quân của Tào Nhân trong thành được tin Quan Vũ sẽ bị đánh tập hậu, bỗng nhuệ khí tăng lên gấp bội, liều chết phòng thủ.

Từ Công Minh giải vây Phàn Thành

Tướng Ngô là Lã Mông dùng kế giả ốm, Tôn Quyền sai người ít tên tuổi là Lục Tốn ra thay chức, điều đó càng khiến Quan Vũ chủ quan coi thường nguy cơ từ hậu phương và điều thêm quân từ Công An và Giang Lăng lên phía bắc. Quan Vũ vốn hay yêu quý sĩ tốt nhưng lại coi thường các sĩ phu. Vì vậy hai tướng My Phương và Phó Sĩ Nhân vẫn bất mãn với ông[11].

Hai tướng Ngô là Lã Mông và Lục Tốn bất thần mang quân tập kích, My Phương và Phó Sĩ Nhân theo lời thư dụ của Lã Mông, không giao chiến đã đầu hàng, dâng Giang Lăng và thành Công An cho Tôn Quyền.

Quan Vũ và Từ Hoảng (tức Từ Công Minh) đều là người quận Hà Đông, từ nhỏ đã quen biết nhau và quan hệ khá tốt[12]. Từ Hoảng không đủ binh lực giao tranh nên phải án binh bất động không dám giao chiến. Không lâu sau Tào Tháo điều thêm 12 doanh nữa đến trợ chiến cho Từ Hoảng[13]. Ông quyết định ra quân để đánh thắng Quan Vũ.

Từ Hoảng vốn quan hệ với Quan Vũ khi Quan Vũ còn phục vụ cho Tào Tháo một thời gian. Vì vậy lúc đối trận, hai người đứng xa trò chuyện. Được một lúc, Từ Hoảng bất thần xuống ngựa đọc lệnh "chém đầu Quan Vũ lĩnh thưởng" của Tào Tháo[13]. Quan Vũ kinh ngạc không kịp chuẩn bị tinh thần chiến đấu, bị quân Tào đánh bại một trận, thua chạy.

Từ Hoảng lại dùng kế dương đông kích tây, phao tin đánh đồn Vi Trủng nhưng kỳ thực đánh đồn Tứ Trủng. Quan Vũ mắc mưu nên bị thua to, đồn Tứ Trủng sắp vỡ, Vũ phải đích thân dẫn năm nghìn quân ra đánh, bị Từ Hoảng đánh lui. Hoảng đuổi theo phá tan quân Thục, binh sĩ bị rơi xuống sông Hán Thủy chết rất nhiều, Phàn Thành được giải vây[12].

Tào Tháo chưa yên tâm về Phàn Thành, lại định điều thêm Trương Liêu từ Hợp Phì tới phối hợp với Từ Hoảng, nhưng nghe tin Từ Hoảng đã đánh lui được Quan Vũ nên thôi điều binh[14].

Tuy cánh quân 5.000 người bị thua trên bộ nhưng thủy quân của Quan Vũ vẫn chiếm cứ Miến Thủy, Từ Hoảng không có thuyền nên không thể giao tranh trên sông nước, đành lui quân về. Tương Dương vẫn bị vây hãm. Nhưng lúc này tin Giang Lăng thất thủ truyền tới, Quan Vũ phải lập tức bỏ vòng vây Tương Dương, dẫn binh quay về Giang Lăng.[15]